Bên Kia Nơi Biển Biếc Gặp Mây Trắng - Chương
MỞ ĐẦU
MINH_THẰNG KHỜ
“Minh! Thằng khờ Minh!”
Có ai đó gọi tên Minh, vang từ một góc không còn xa lắm. Tiếng xào xạc gãy vụn dần to lên của những đôi chân đen nhẻm giẫm lên đám thóc vàng vàng mùi thơm thơm vừa gặt. Minh không nghe thấy, Minh không bận tâm vì cậu đang hạnh phúc. Cậu chăm chú nhìn vào những dòng chữ trong cuốn sổ nhỏ.
“Ô giấc mộng đẹp đẽ đời anh!
Ca vang khúc tình ca đôi mình
Tóc mười lăm anh đắm say đem trồng
Trong vườn lòng rộn ràng sắc hương hoa
Ôi hỡi vùng cỏ nội hương lành và phượng đỏ
Phượng đỏ thắm em cài bên suối tóc
Thắm như tình nơi anh đây”
“Thằng đần độn Minh! Mày quay lại đây!”.
Tiếng gọi ấy vươn đến một âm lượng lớn hơn, thành ra tiếng hét vào thẳng tai của đứa nhóc “điếc” nào đấy đang ngồi thụp bên ngoài hàng rào rỉ sét nhà nó. Minh không đáp lại chúng, chẳng lần nào dù chỉ một, không một cái liếc nhìn từ đôi mắt đờ đẫn của Minh chịu hứng cái hình ảnh của bọn bầy hầy trạc tuổi nhau đấy.
Rồi, Minh cảm nhận tiếng bộp đau điếng vào một bên gò má khi cái giọng cao lanh lảnh của lũ trẻ nít kết thúc. Một quả gì đó bay thẳng vào mặt cậu khiến cậu quay phắt lại bên đống thóc dập nát, vươn vãi. Tóc Rễ và Cây Sào là hai đứa cuối cùng ở lại, hò reo mấy tiếng, cười khằng khặc. Chúng chạy thục mạng xuống con dốc nhỏ, ẩn sau bãi rơm nhà bác Năm rồi bóng hình cùng tiếng bước chân của tụi nó cũng khuất đi mất. Tóc Rễ có mái tóc cứng, thô như rễ cây, còn Cây Sào có thân người cao lêu khêu, lại còn gầy còm mảnh khảnh. Xét về độ khó ưa, Tóc Rễ_đứa lớn tuổi nhất, đáng ghét nhất và cũng là sừng sỏ nhất, nó hay đem Minh ra để thử nghiệm mấy trò đùa quái đản, những câu chửi thề ác ý đầu đời của nó.
Minh khẽ nhặt quả ấy lên, lại một cái bị úng, thiu, lốm đốm những vệt đen đúa. Cậu lướt qua đống hổ lốn, nát vụn của thóc. Mẹ cậu đem chúng ra phơi và dặn cậu ở nhà trông coi nó, chắc chắn vài cú ra trò là một món quà dành cho Minh khi mẹ trở về. Không! Mới chỉ đề cập đến cái bự nhất thôi, còn ánh nhìn khinh khỉnh, điệu cười cợt của đám trẻ ấy nữa. Nhưng Minh không quan tâm, cậu không quan tâm, Minh không bận tâm vì cậu mang danh “khờ”.
Ai cũng xem Minh là đứa khờ khạo
Vì cậu luôn ngồi một mình
Lơ đễnh nhìn đâu đó…
Minh luôn như vậy đấy, cậu hay vừa đi vừa đọc đi đọc lại những mảnh giấy hay cuốn sách nào đó. Ánh mắt ngờ nghệch của cậu đã nói rõ cho mọi người hiểu rằng cậu luôn ngơ ngác, luôn hỏi những câu ngớ ngẩn. Cậu chỉ làm những việc vô nghĩa, hoàn toàn một mình, vắng bóng người. Thậm chí thi thoảng, cậu còn nhìn đăm đăm vào một nơi ngẫu nhiên nào đó và hơi mỉm cười. Ai cũng nghĩ rằng khi cậu sinh thì thân bị quỷ nhập còn hồn bị ma bắt gì đó. Ai cũng tin rằng cậu bị khờ.
Nhưng Minh hoàn toàn không khờ, cậu biết rõ mình không khờ, rõ mồn một. Chỉ là cậu không muốn bất kì sự xuất hiện nào của con người vào vòng những đám mây màu sắc mà cậu tự đặt ra. Cậu chẳng bao giờ muốn tự mình hay để kẻ khác phá hủy nó. Minh lập dị, Minh không muốn kết bạn với ai, chẳng buồn chuyện trò hay chơi banh gì với chúng bè bạn. Cậu chỉ có một chân trời, không eo hẹp như cái khung hình cầu cứng nhắc của Trái Đất, nó rộng mở, thực sự rộng. Minh chìm đắm trong đó một cách ích kỉ như linh hồn mình, chẳng muốn cho ai xâm nhập vào dù cho có bằng lời ngọt, cái ôm ấp dịu dàng hay một cú đấm đầy tính thô lỗ, cậu đều không muốn. Và tất cả những cảm giác này đều có lí do của nó cả đấy. Năm lên năm, mẹ cậu đi bước nữa. Tưởng chừng như người cha mới, đáng lẽ sẽ thực sự yêu thương cậu, chở che cậu sau tất cả dặm đường tối om, đánh mấy trận, trận nào trận nấy nhừ tử. Những cú thụi, đá, đấm, cậu bấy giờ không phân biệt được chúng, nhưng biết điểm chung đó là chúng đều gây ra cả tá vết bầm tím trên người, mặt. Cả những câu chửi rủa nữa, giống như của Tóc Rễ nhưng kết hợp với cái giọng ồm ồm, khàn khàn như cố chới với đến và đục thủng màn che tai của cậu (bọn trẻ hay nói cậu có thứ đấy từ khi mới sinh nên cứ đơ đơ, không nghe người ta nói gì). Có thể là do cậu làm gì sai, làm việc khó ưa và cũng có thể câu trả lời chỉ là “nhìn cái mặt của mày tao thấy ghét”.
Thế là từ đó, Minh dần thu mình lại, đắm chìm vào mơ mộng, Minh kinh tởm việc thốt lên âm thanh, ghét từng cái chạm rồi nó trở thành niềm tin in hằn trong tiềm thức của cậu, rằng nếu có bất kì ai thâm nhập vào chốn tưởng tượng của Minh thì tất cả những hạnh phúc, chút an ủi sẽ vụt mất đi như một con bướm xinh đẹp ngoài vườn, không thể tìm lại. Cậu luôn ngồi một chỗ như sợ chỉ một lần di chuyển, giấc mơ sẽ bay mất.
“Ôi cô gái vuốt tóc mai
Sắc mai vàng lấp lánh trong mắt nai
Hỡi em-cơn mộng giữa ban hè
Trao anh một nỗi tình ban sơ”
Minh tiếp tục nhẩm, từng chữ như hát bài ca dao. Từng tiếng tình tang hiện qua những nhịp bằng trắc. Minh lo về đống thóc nhưng Minh thấy hạnh phúc, cậu hạnh phúc, không hiểu vì sao. Nhiều sao lắm nhưng mà không hiểu được, ý nghĩa của từng câu từ ấy là gì, cậu chẳng biết nhưng cậu thấy hân hoan. Cậu đang hân hoan, và đắm. Tiếng đọc thầm rót vào tai của Minh, hòa cùng vào nhịp của sự im lặng thấm đẫm những câu thơ ca.
Tiếng lộp cộp từ đằng xa, tiếng va chạm của đế giày với mặt đường mà trước đó là tiếng kẽo kẹt của guồng xe đạp cũ quay. Đế giày mòn lướt qua nền bụi bặm của đất. Bác Năm, hay dậy từ sáng sớm, một trong số ít người trong làng cho rằng một bài tình ca từ vài thập niên trước là khởi đầu ý nghĩa cho buổi sớm đẹp trời. Bác hay đi chiếc xe đạp cũ mà chẳng thay chiếc mới vì “một mảnh tình non bên kia rặng lúa”. Bác thường khệ nệ bước đến ô cửa sổ, ngắm nhìn trầm ngâm điều gì đó bên kia bầu trời. Có vẻ là xa lắm, hoặc không vì ánh nhìn của bác luôn xa xăm như thế nhưng hoàn toàn khác cái vẻ thẫn thờ của một kẻ hành khất mất phương hướng sau một chuyến qua rừng dài vô tận hiện qua đồng tử đùng đục của Minh. Ánh nhìn của bác Năm còn thơ mộng và tươi mới hơn độ tuổi của bác nhiều.
Bác Năm dựng xe, lại gần Minh. Bác Năm, một trong số rất ít người không xem Minh là đứa khờ.
-Cháu lại đọc thơ của bác nữa à?
Nhiều lúc, bác Năm thấy Minh, à không, chỉ là một chỏm tóc đen rối xù của nó và một ít mảnh nhơ nhuốc trên da. Nó táy máy đọc những bài thơ trong cuốn sổ tay từ thời si dại của bác mà bọn trẻ bây giờ sẽ phát ra mấy tiếng thốc tháo ngay lúc mới nghe một chữ đầu tiên. Con nít giờ khoái những trò khua chân múa tay hơn mà. Có thể, mấy đứa lớn hơn sẽ cố gắng tránh xa nó như thể đó là một mớ gì nghê gớm lắm, bác Năm chắc chúng sẽ dám xé nát chỗ giấy ngả vàng đó. Không chắc Minh có hiểu không hay chỉ là đang cố trổ tài biết đọc sớm cho vị cánh trắng bé nhỏ nào đó mà chỉ nó mới thấy. Mà Minh cũng hay ngắm trời lắm đấy, không biết nó ngắm cái gì kia, chỉ là những rặng núi lấp ló trong làn sương mỏng hay mò mẫm với niềm mong chờ được thấy màu man mát biếc xanh của biển cả hoặc là…chẳng có gì.
-Cháu xin lỗi bác…
Minh nói, Minh luôn nói xin lỗi như thể cậu được lập trình sẵn như thế, đây là cách duy nhất cậu biết và thường hay làm nhất để giảm độ đau của từng lần giáng roi xuống. Ánh mắt thơ thơ thẫn thần nhìn bác, họ hàng hay bảo đó là một trong những lí do cậu tên Minh. Rằng “Minh” nghĩa là đứa bẻ sáng sủa, thông minh, rằng người ta đặt tên như thế để thằng bé này đỡ “đần” hơn và chú tâm vào việc “cần thiết” không phải vài ba cái “vô nghĩa” như bây giờ. Bác Năm không tin là vậy, không dùng những hành động xa lánh kinh tởm với nó. Mà đôi khi, bác tự hỏi, với tính cách như thế thì sau này Minh có chịu mở cửa cái pháo đại mơ mộng giam hãm nó không, có chịu để người đó chạm vào mình không hay chí ít là nở nụ cười và đùa nô cùng người ấy hay là nó sẽ chỉ là một nhà quan sát đại tài và để nỗi buồn của tình yêu thầm kín nhồi nhét khắp mình. Chà…chẳng thể nói trước được điều gì.
Nắng gay gắt trải trên miền đất, bây giờ cũng đã hơi quá chín giờ. Chúng, những tia nắng khiêu vũ loạn xạ khắp nơi, từ trên cành lá cao nhất, tán lá giữa, mảnh lá thấp, chiếc lá rời khỏi cây mẹ, chúng múa nhiều nơi, ở ngay mặt đất cũng có. Hiệu ứng chói lòa đôi mắt, bãi vàng rực được đong trên nền đất nâu. Hơi nóng lan, Minh giờ cảm nhận được nó, mồ hôi từ đấy túa ra, rịn, thấm đẫm một phần chiếc áo cũ màu quả sim. Màu nắng chói chang như bông hướng dương.
-Cái này nói về “yêu” đúng không hả bác?
Chất giọng trong trẻo của Minh cất lên ngay trước khi bác Năm kịp nói câu “không có gì”.
-Đúng rồi. Mà sao cháu biết?
-Trên tiêu đề bác có ghi. Mà “yêu” là gì thế hả bác?
Chất giọng hạ tông lên xuống ngày càng khẳng định những tiếng loài sẻ hót trong buổi mai. Bác Năm-lo-lắng, bác Năm-vò-tóc, bác Năm-lẩm-bẩm, ôi, sau mấy thời trai trẻ và vài mảnh yêu đương nhỏ bé vắt trên vai thì bác cuối cùng cũng chả biết cái gì. Ôi thôi! Đáng nhẽ ra bác phải học tâm lí học, à không phải, là triết học, phải thành nhà triết học mới dúng, chỉ có mấy ông lão tóc râu bàng bạc, ngồi suy ngẫm nơi một góc bí mật mới giải thích được điều này. Ôi thôi! Bác Năm giờ đang sở hữu một bầu lặng im hoàn hảo.
-Bỏ qua đi bác. Vậy “yêu” bắt nguồn từ đâu? Từ trên mây hở bác?
Minh gặng hỏi. Bác Năm quay đầu, hết sang phải rồi lại sang trái, quay qua quay lại, hình như hành động này gọi là “lắc đầu”. Lông mày hết nhướng lên rồi chúi xuống, bác cố gắng hình dung ra cái hình trừu tượng của cái thứ “yêu” ấy. Mà con người bản chất là hiếu kì, bác Năm càng không nói, Minh càng hỏi như thể nó là một con linh cẩu đói khát đang chờ chực để đớp lấy mấy miếng thịt cho dù miếng thịt ấy từ bầy đàn khác vậy.
-Đương nhiên là không
-Có phải là từ cái chỗ bác hay gọi là vùng “Biển Biếc Gặp Mây Trắng” đúng không?
-Không…
Bác Năm cố gắng trả lời, lục lọi hết mọi câu chữ có sẵn trong não bộ. Có thể điều này sẽ giúp bác yên ổn trong vài ngày sau mà không cần phải chạm trán với sự tò mò của Minh nữa. Nhưng ôi! Bác Năm đáng thương, bác Năm không biết, bác Năm không hiểu, bác Năm chẳng thấy gì. Đó là một phần lí do vì sao bác ghét biệt danh “Bác Năm Biết Tuốt” do bọn Tóc Rễ đặt. Bác hơi tựa vào một gốc cây gần đó, độc thoại một lúc, liếc sang cái thể hình bất động kia. Và chắc chắn rằng mình hoàn toàn không biết.
-Bác cũng không biết nữa, mà cháu nhỏ nên đừng hỏi về chuyện này nữa. Đợi sau này rồi hiểu nhé cháu
Bác nói với một ít hi vọng rằng Minh sẽ thay bác và quãng thời gian còn lại khi bác trở nên cằn cỗi, để biết được ý nghĩa của cái thứ “yêu” ấy.
-Cháu nhất định sẽ tìm ra nó sớm hơn tất cả mọi người!
Minh dõng dạc.
Năm ấy Minh lên tám.